Hơn 1 tuần kể từ sau cơn mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt nặng ở TP. HCM vừa qua, các con số thống kê về tổn thất liên tục được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cập nhật và báo cáo mới nhất cho thấy, mức thiệt hại đã lên tới gần 70 tỷ đồng.
Như Đầu tư Chứng khoán đã thông tin, ngay sau cơn mưa lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có những thống kê sơ bộ về thiệt hại, với tổn thất ước tính ban đầu là hơn 30 tỷ đồng cho cả nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản kỹ thuật. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tức chỉ sau hơn 1 tuần, con số tổn thất đã tăng lên tới gần 70 tỷ đồng và theo dự báo, mức tổn thất còn chưa dừng lại, bởi một số doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa đưa ra con số thống kê chính xác khi còn đang chờ các đơn vị thẩm định báo cáo nguyên nhân tổn thất…
Chẳng hạn, theo số liệu thống kê của riêng Bảo Minh, các tổn thất được khách hàng báo lại tính đến ngày 30/9/2016 về bảo hiểm xe cơ giới là 20 vụ, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, có 10 vụ với thiệt hại ước tính khoảng 45 tỷ đồng. Được biết, TP. HCM là một trong những địa bàn trọng điểm của Bảo Minh, nên số lượng khách hàng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm là khá lớn. Hiện tại, song song với việc tiến hành giám định thiệt hại, Bảo Minh còn hướng dẫn khách hàng các biện pháp xử lý khác nhằm giảm thiểu tổn thất trong thời gian tới.
Trong khi đó, hãng bảo hiểm Liberty đã cập nhật thêm 7 vụ tổn thất về xe cơ giới, mà cụ thể là xe ô tô bị hư hỏng do ngập nước, nâng tổng số vụ tổn thất mà hãng tiếp nhận lên 47 trường hợp, với thiệt hại sơ bộ khoảng 5 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với con số ban đầu. Riêng tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật vẫn chưa được hãng công bố do vẫn đang trong quá trình cập nhật.
Tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng tiếp tục tăng thêm, nâng con số thiệt hại lên hơn 2 tỷ đồng. Tổn thất về tài sản kỹ thuật của các khách hàng tại PTI hiện rơi vào khoảng 8-10 tỷ đồng.
Ngoài những hãng bảo hiểm trên, một số doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn trên thị trường như PVI, Bảo Việt hay PJICO do đang trong quá trình tổng hợp tổn thất nên chưa đưa ra con số thiệt hại cụ thể. Vì vậy, tổn thất do cơn mưa lớn này gây ra chắc chắn sẽ tăng cao.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, trước tình trạng tổn thất do thiên tai liên tục tăng trong những năm gần đây, các nhà tái bảo hiểm quốc tế cũng đã có những cảnh báo tới các công ty bảo hiểm trong nước về hiện tượng này. Theo thống kê của Munich Re, công ty tái bảo hiểm hàng đầu của Đức, những thiệt hại về tài chính do thiên tai trên toàn cầu gây ra trong nửa đầu năm 2016 tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm tài sản luôn là nghiệp vụ phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Riêng bảo hiểm tài sản kỹ thuật, chưa tính đến những tổn thất do thiên tai, mưa lũ mang lại (năm nào cũng diễn ra), nghiệp vụ này vẫn được các nhà tái bảo hiểm xác định là có rủi ro rất cao. Chính vì thế, những năm gần đây, các nhà tái bảo hiểm thường siết chặt các điều khoản nhận tái bảo hiểm mảng nghiệp vụ này từ các công ty bảo hiểm trong nước. Thậm chí, đối với những doanh nghiệp bảo hiểm đã từng chịu nhiều tổn thất liên quan đến tài sản, họ còn giám sát rất chặt chẽ việc triển khai các hoạt động bồi thường. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm trước khi nhận bảo hiểm tài sản cho các doanh nghiệp kinh doanh cũng sẽ phải điều tra, nghiên cứu hết sức kỹ càng.
Đối với những ngành hàng có rủi ro rất lớn như gỗ, may mặc…, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã hạn chế nhận bảo hiểm từ vài năm nay, nếu có bảo hiểm thì cũng đưa ra những quy tắc và tiêu chuẩn rất chặt chẽ. Tất nhiên, không vì thế mà các doanh nghiệp bảo hiểm e dè, bởi một lý do đơn giản, rủi ro cao thì lợi nhuận mang lại cũng sẽ cao, đó còn là chưa kể đến việc cải thiện thị phần.
Theo ĐTCK