Những thay đổi được mong đợi của bảo hiểm bắt buộc xe máy
Người dân đang cần những bước đi nhanh chóng, quyết liệt từ phía các cơ quan Nhà nước để tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, giúp tạo thuận lợi cho cả người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp.
Những “nút thắt” sẽ được tháo gỡ có thể kể đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán bảo hiểm, tăng thời hạn bảo hiểm, cải thiện quy trình bồi thường…
Sẽ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử
Chị Quỳnh Mai (nhân viên văn phòng, quận 3, TP.HCM) cho biết chị hầu như không nhớ đến Giấy chứng nhận bảo hiểm (CNBH) bắt buộc cho đến khi bị “thổi” vì lỗi rẽ phải không bật đèn xi-nhan đầu tháng 4/2020. “Lúc mới mua xe máy đăng ký lần đầu thì tôi có tham gia bảo hiểm bắt buộc, sau đó thì giấy chứng nhận hết hạn lúc nào không hay. Sau khi bị phạt và được anh công an nhắc nhở, tôi mới lật đật đi mua lại”, chị Mai kể.
Theo chị Mai, một trong những lý do khiến cho chị và gia đình “lơ là” việc tham gia bảo hiểm bắt buộc là do quy trình mua chưa thuận tiện. “Nếu mà có thể mua online và nhận giấy chứng nhận qua tin nhắn hay email thì sản phẩm sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với đại đa số người dân”, chị Mai nhận xét.
Trước ý kiến các quy định hiện hành về mẫu Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe mô tô – xe máy không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho chủ xe, lái xe và cả doanh nghiệp bảo hiểm trong việc triển khai thực hiện, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết hiện Bộ Tài chính đang trong quá trình nghiên cứu, làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để đề xuất hoàn thiện các quy định cho loại hình sản phẩm này, đặc biệt đối với xe máy.
Theo lộ trình, các doanh nghiệp sẽ được ứng dụng thương mại điện tử trong việc bán bảo hiểm, cấp Giấy CNBH điện tử, được chủ động thiết kế, xây dựng mẫu Giấy CNBH nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc.
Bồi thường sẽ nhanh chóng hơn
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 22/2016/TT – BTC, khi xảy ra tai nạn và có yêu cầu bồi thường, chủ xe cần cung cấp các tài liệu liên quan đến xe, lái xe (giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe…); các tài liệu chứng minh thiệt hại về người (Giấy ra viện, Giấy chứng nhận phẫu thuật, Hồ sơ bệnh án, Giấy chứng tử…); Các giấy tờ chứng minh chi phí mà chủ xe đã chi để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm…
Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thu thập các tài liệu liên quan đến thiệt hại về tài sản (như hóa đơn sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại); Các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (như biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông…); Biên bản định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do DNBH hoặc người được DNBH ủy quyền lập; Các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có)…
Như vậy, quy định hiện hành đã được xây dựng theo hướng quy định rõ các loại tài liệu cần phải thu thập để chứng minh rõ mức độ trách nhiệm dân sự (lỗi, mức độ thiệt hại) của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên, bao gồm chủ xe và DNBH, hạn chế gian lận bảo hiểm và trục lợi chính sách.
Liên quan đến vấn đề bồi thường, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết khi tai nạn xảy ra, khách hàng thường gọi theo số điện thoại hotline trên Giấy CNBH để khai báo tai nạn. Khi tiếp nhận khai báo, công ty sẽ dự báo được mức độ thiệt hại và hướng dẫn các bên liên hệ cơ quan công an để giải quyết. Do đó, thời gian giải quyết sẽ phụ thuộc vào cơ quan chức năng và khả năng hòa giải giữa các bên.
Tuy nhiên, để thúc đẩy việc bồi thường nhanh hơn, một số công ty bảo hiểm đã quyết định với các khoản bồi thường dưới 10 triệu đồng, họ sẽ chủ động chi trả cho khách hàng. Trong khi đó, các khoản bồi thường trên 10 triệu, DNBH vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành, tức phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.
Bộ Tài chính cũng dự kiến mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường nhằm kịp thời đảm bảo nạn nhân và gia đình có nguồn kinh phí điều trị y tế; đồng thời cụ thể hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa, tăng trách nhiệm và tính chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống gian lận bảo hiểm.
Những thay đổi quan trọng khác
Về mức trách nhiệm bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhận thấy rằng quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá các dịch vụ liên quan. Mức hiện hành là đối với thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 100 triệu đồng vụ tai nạn do xe ô tô gây ra, 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe máy gây ra. Do đó, quy định mới cần tăng mức trách nhiệm bảo hiểm cơ bản đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.
Bên cạnh đó, phí bảo hiểm (55.000 đồng hoặc 66.000 đồng tùy theo loại xe) mặc dù đã được quy định trên cơ sở rủi ro liên quan phương tiện (đến loại xe, mục đích sử dụng xe) nhưng chưa căn cứ vào rủi ro liên quan chủ xe, lái xe (lịch sử tai nạn, vi phạm giao thông), do đó chưa phát huy tối đa vai trò công cụ kinh tế trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Mức phí bảo hiểm, do đó, cần được quy định tương ứng với rủi ro của xe cơ giới (bao gồm xe máy), chủ xe và người lái xe.
Thời hạn bảo hiểm 1 năm hiện nay cũng được đề nghị nâng lên để thêm thuận tiện cho người mua. Theo đó, quy định mới sẽ linh hoạt thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy và tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô.
Những thay đổi này đã nằm trong hồ sơ dự thảo Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến để ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới.
Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2021 trên cơ sở đánh giá tác động và tiếp tục xin ý kiến rộng rãi của tất cả các bên liên quan, các đối tượng chịu tác động của chính sách để có cơ sở để đề xuất hoàn thiện chế độ bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, bao gồm quy định bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với xe máy.
Theo Nhịp sống kinh tế