Du lịch Đông Nam Á bắt đầu phục hồi nhưng không đồng đều
Theo hãng lữ hành ForwardKeys, cuối tháng 3 vừa qua, lượng khách đặt vé hàng không quốc tế đến Đông Nam Á chỉ tương đương 38% của mức trước khi bùng phát dịch.
Sau hai năm đình trệ do dịch COVID-19, du lịch Đông Nam Á bắt đầu hoạt động trở lại sau khi các quy định nhập cảnh và cách ly phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ, tuy nhiên sự phục hồi nhìn chung vẫn chậm và một số điểm nóng về du lịch vẫn chưa lấy lại đà.
Theo hãng lữ hành ForwardKeys, cuối tháng 3 vừa qua, lượng khách đặt vé hàng không quốc tế đến Đông Nam Á chỉ tương đương 38% của mức trước khi bùng phát dịch. Con số này chưa bằng 10% mức năm 2019, khi dịch mới bùng phát.
Singapore và Philippines đứng đầu về mức tăng đặt vé. Bộ trưởng Du lịch Philippines Bernadette Romulo-Puyat cho biết: “Chúng tôi là nước đầu tiên bỏ mọi loại cảnh báo đỏ. Khách du lịch rất vui vì ngay khi nhập cảnh, họ có thể tự do đi lại.”
Hai nước này chỉ yêu cầu khách đã tiêm phòng trình chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính trước khi nhập cảnh. Trong khi đó, các yêu cầu phức tạp hơn ở Thái Lan đã khiến nơi từng là điểm đến ưa chuộng này mất đi vị thế hàng đầu.
Dữ liệu của ForwardKeys cho thấy lượng đặt vé đến Singapore và Philippines ở mức tương đương 72% và 65% so với năm 2019, trong khi con số này ở Thái Lan chỉ là 24%.
Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi cho biết: “Việc xét nghiệm PCR khi nhập cảnh tốn từ 2.000-2.500 baht (60-75 USD) và đây sẽ là chi phí khá lớn đối với nhóm khách đông, khiến mọi người do dự khi đi du lịch.”
Bà cho rằng nếu nước khác không yêu cầu gì khi nhập cảnh, du khách sẽ chọn đến các nước đó thay vì đến Thái Lan.
Thủ đô Hà Nội xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế
Du lịch châu Á đang phục hồi chậm hơn các khu vực khác, như châu Âu, nơi đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ nhiều tháng trước.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hoạt động đi lại nội địa và quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm nay sẽ chỉ đạt 68% so với mức năm 2019 và dự báo đạt mức trước dịch vào năm 2025, tức là chậm hơn 1 năm so với các nơi khác trên thế giới.
Cụ thể, khách đến Singapore đã tăng gần 4 lần trong tháng 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, khi nước này hạn chế nhập cảnh. Nhưng con số này cũng chỉ tương đương 9% lượng khách đến vào tháng 2/2020, trong đó có một lượng lớn là người mang hộ chiếu làm việc từ Malaysia và Ấn Độ.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan nhận định nước này sẽ phải đến năm 2026 mới phục hồi hoàn toàn. Năm 2019, lĩnh vực du lịch đóng góp khoảng 12% GDP của Thái Lan.
Xét về đối tượng khách cụ thể đến Đông Nam Á, cũng có sự thay đổi. Từng là nhóm khách lớn nhất của du lịch châu Á, khách Trung Quốc đang phải ở nhà do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Năm 2019, hơn 1/4 trong số 40 triệu du khách tới Thái Lan là người Trung Quốc, nhưng năm nay, Thái Lan chỉ dự báo đón 5-10 triệu khách quốc tế, chủ yếu đến các nước láng giềng Đông Nam Á. Khách từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản hay Nga cũng không nhiều, trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đóng cửa với khách quốc tế và căng thẳng Nga-Ukraine.
Trong khi đó, theo ForwardKeys, 1/3 lượng khách đến Đông Nam Á từ đầu năm đến nay là từ các nước châu Âu, tăng 22% so với năm 2019, trong khi khách đến từ Bắc Mỹ tăng hơn gấp đôi, từ 9% năm 2019 lên 21%. Lượng khách đến từ các nước khác ở châu Á chỉ đạt 24% từ đầu năm đến nay, so với 57% trong năm 2019./.