Gỡ khó cho bảo hiểm xe
Nhằm gỡ khó cho hoạt động bảo hiểm xe đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc lâu nay, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi từ thị trường.
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải tạm ứng bồi thường với thiệt hại về tính mạng và sức khỏe.
Cụ thể, với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thì tạm ứng 70% mức bồi thường/người/vụ đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường/người/vụ đối với trường hợp thương tật.
Còn với trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn có thuộc phạm vi bồi thường thì tạm ứng 30% đối với trường hợp tử vong và 10% đối với trường hợp bị thương tật bộ phận được điều trị cấp cứu.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người mua bảo hiểm cũng như công ty bảo hiểm, thay vì quy định cứng là chỉ bán bảo hiểm 1 năm như hiện nay, thời hạn bảo hiểm sẽ được mở rộng 1-3 năm đối với xe máy, tối thiểu 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn đăng kiểm đối với ô tô.
Quy định trên nhận được sự hưởng ứng từ DNBH vì trên thực tế, để doanh thu cũng như tận dụng nguồn khách hàng hiện hữu, vẫn có những đại lý bảo hiểm, cộng tác viên bảo hiểm “bất chấp” luật bán bảo hiểm 2 năm liền, vi phạm quy định hiện hành.
Về hồ sơ bồi thường, chủ xe phải cung cấp giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe…, trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì phải có bản sao giấy chứng nhận thương tích hoặc hồ sơ bệnh án, giấy báo tử của cơ sở y tế…; thiệt hại về tài sản thì phải có hóa đơn chứng từ về việc sửa chữa, thay mới tài sản.
Cần lưu ý rằng, chỉ trong trường hợp tai nạn chết người thì hồ sơ bồi thường mới cần tài liệu của cơ quan công an như biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có)… và DNBH phải có trách nhiệm thu thập các giấy tờ này, chứ không phải người mua bảo hiểm.
Để thuận lợi hơn trong việc thu thập giấy tờ cũng như thanh toán bồi thường, dự thảo quy định Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra cung cấp bản sao các giấy tờ liên quan đến vụ tai nạn giao thông trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của DNBH khi có kết luận điều tra.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của DNBH trong việc giám định cũng như bồi thường cho khách hàng.
Theo đó, DNBH phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe, người lái xe và bên thứ ba giám định để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định thiệt hại do DNBH chi trả.
Theo ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM), quy định trên có lợi hơn cho người tham gia bảo hiểm, bởi trước đây, thay vì chủ động thực hiện, DNBH thường “đẩy” trách nhiệm này sang người tham gia bảo hiểm, trong khi không phải ai cũng đủ năng lực để thu thập đủ những tài liệu này.
Về bồi thường, dự thảo cho phép DNBH bồi thường trực tiếp cho nạn nhân nếu người được bảo hiểm tử vong hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Ông Đán nhận định, đây là bước tiến, nhưng cần quy định DNBH sẽ bồi thường trực tiếp cho người bị nạn nếu người gây ra tai nạn chứng minh được mình không đủ khả năng tài chính để bồi thường ban đầu (phần tạm ứng có thể không đủ).
Góp ý thêm cho dự thảo, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair kiến nghị, cần bỏ quy định “người được bảo hiểm phải cung cấp hóa đơn về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông”, vì thực tế không phải thiệt hại nào cũng có hóa đơn sửa chữa.
“Chẳng hạn, trường hợp xe cơ giới đâm vào nhà dân, gây thiệt hại gia súc, gia cầm, hoa màu… nên không thể có hóa đơn sửa chữa, hoặc tài sản bên thứ ba không thể sửa chữa, hay bên thứ ba không muốn sửa chữa lại… thì cũng không thể có hóa đơn. Điều này khiến DNBH không dám thỏa thuận bồi thường bằng tiền dẫn đến tranh chấp, gây thiệt hại cho người được bảo hiểm”, ông Xuân nêu ví dụ.
Đồng quan điểm, chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Văn Dũng lấy dẫn chứng, xe ông A va chạm với ông B và lỗi thuộc về ông A. Hai bên tự thỏa thuận đền bù với nhau bằng tiền mặt. Ông B cầm tiền và tự đi sửa chữa.
Như vậy, ông A đâu có chứng từ, hoá đơn sửa chữa để cung cấp cho nhà bảo hiểm. Trên thực tế, hình thức bồi thường này rất phổ biến và thuận tiện, nhất là với 2 chủ xe cách xa nhau về địa lý, nên cần lưu ý.
“Luật Dân sự hiện cho phép các bên tự thỏa thuận đền bù, nên dự thảo cũng cần bổ sung nội dung này để giúp các bên thuận lợi hơn trong giải quyết tranh chấp”, ông Dũng nêu quan điểm.
Nguồn ĐTCK